administrator 01/01/2019

Nghệ thuật Chèo là một loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu và phát triển mạnh ở các vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. Nghệ thuật Chèo được bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sinh hoạt của nhân dân ta từ hàng ngàn năm nay và nó đã chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân qua nhiều thế hệ. Chèo chứa đựng trong nó hàm lượng trí tuệ sáng tạo nghệ thuật mẫu mực, được nhiều lớp người dân sáng tạo nên.

Từ dàn nhạc Chèo thưở sơ khai chỉ với vài ba nhạc cụ Trống, Sáo, Nhị đến nay, dàn nhạc đã phát triển đông hơn rất nhiều với các cây như Tam thập lục, Thập lục, Bầu, Sáo, Nhị, Nguyệt, Tam con, Trống… dù dàn nhạc nhỏ hay lớn thì đều có sự góp mặt của sáo trúc. Với âm sắc đa dạng, phong phú Sáo trúc có thể thể hiện rất tốt các cung bậc cảm xúc trong Chèo.

Nói đến sáo trúc, người ta thường liên tưởng đến cảnh làng quê yên bình với những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Bức tranh em bé chăn trâu thổi Sáo với cây đa, bến nước, sân đình đã lột tả được những nét đặc trưng của nông thôn Việt Nam nói chung và nông thôn Miền Bắc Việt Nam nói riêng.

Mặc dù chưa khẳng định được chính xác sáo trúc ra đời khi nào và ở đâu nhưng chúng ta chắc một điều rằng Sáo trúc là một nhạc cụ đa năng trong kho tàng nhạc khí cổ truyền Việt Nam. Với khả năng diễn tấu phong phú, giàu sức biểu cảm, Sáo trúc xuất hiện trong rất nhiều thể loại âm nhạc từ sáng tác mới cho đến âm nhạc cổ truyền.

Trong ba thể loại nhạc cổ Chèo, Huế, Cải lương thì sáo trúc hợp với Chèo hơn cả. Bởi tính năng đặc biệt, độc đáo có thể đảm nhiệm được nhiều vị trí trong dàn nhạc nên sự thể hiện từng hoàn cảnh sân khấu Chèo của Sáo trúc đã mang lại hiệu quả đặc sắc và ấn tượng, khẳng định được vị trí quan trọng của nó trong dàn nhạc Chèo.

Độc tấu sáo trúc trên lòng bản

Với các kỹ thuật phong phú của mình, Sáo trúc hoàn toàn có thể chơi tốt các làn điệu Chèo một cách độc lập và hiệu quả. Nó có khả năng diễn tả được đầy đủ các tính chất, hình tượng trong Chèo mà không làm mất đi chất Chèo vốn có. Sự khéo léo của người nhạc công ở đây là khi tấu lên một làn điệu Chèo với rất nhiều nốt và kỹ thuật được thêm vào giúp cho làn điệu Chèo sinh động hơn nhưng vẫn không làm nhòe giai điệu gốc.

Hiện nay, tại các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp như Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội… đều có chương trình đào tạo Sáo trúc với làn điệu Chèo cổ truyền, các đợt kiểm tra đánh giá cuối kỳ đều là thi độc tấu trên lòng bản, điều này cho thấy tầm quan trọng của Sáo trúc đối với nghệ thuật Chèo là không nhỏ.

Hòa tấu sáo trúc trong dàn nhạc Chèo

Trong dàn nhạc Chèo xưa, các nhạc công thường dùng sáo tàu 6 lỗ và Tiêu là phương tiện biểu diễn chủ yếu. Việc sử dụng Sáo 6 lỗ để xử lý đúng sắc thái về hơi Chèo, ngón Chèo là hết sức quan trọng. Ngày nay, tuy đã có Sáo 10 lỗ rất thuận tiện cho việc diễn tấu nhưng hầu hết các nhạc công Chèo vẫn sử dụng cây Sáo ngang 6 lỗ và Tiêu để trình diễn các làn điệu Chèo.

Khi thể hiện một làn điệu Chèo theo phương thức hòa tấu, không có phần diễn xướng của diễn viên thì vai trò của Sáo trúc lúc này được thể hiện linh hoạt hơn. Có lúc giữ vị trí giai điệu nhưng cũng có lúc giữ vai trò là cây đệm cho giai điệu. Với lợi thế đa dạng về màu sắc (tiêu, sáo trầm, trung, cao) Sáo có thể hòa tấu với nhiều nhạc cụ khác nhau như Tranh, Bầu, Nhị, Gõ, Tam thập lục…một cách dễ dàng, điều này khiến cho Sáo trúc là một nhạc cụ không thể thiếu trong dàn nhạc Chèo truyền thống.

Khi hòa tấu tốp nhạc nhỏ chỉ với 3 cây nhạc cụ ví dụ như Sáo, Nhị, Trống ngoài những câu Sáo chơi giai điệu thì nó còn đảm thật tốt bè tòng. Tiếng Sáo tòng bám sát giai điệu sẽ tạo cho bè giai điệu thêm dày, thêm chắc.

Sáo trúc gắn liền với nghệ thuật Chèo

Khi hòa tấu tốp nhạc với nhiều nhạc cụ hơn ví dụ như 5 cây Trống, Nguyệt, Tranh, Bầu, Sáo. Lúc này đàn Bầu và Sáo trúc là hai cây nhạc cụ thay phiên nhau đi bè giai điệu, Tranh và Nguyệt chuyên việc tòng theo, kê theo. Ngoài việc tòng bám sát giai điệu cùng với Tranh và Nguyệt, Sáo còn có thể ngẫu hứng một số nét giai điệu mới, đan xen hoặc đối đáp với bè giai điệu, vừa tôn lên vẻ đẹp của bè giai điệu, vừa tạo cảm giác đỡ nhàm chán, một màu của bài nhạc.

Khi hòa tấu với một dàn nhạc lớn, có thể là 10 nhạc cụ hoặc hơn, bè giai điệu gồm Nhị, Sáo, Bầu… bè đệm gồm Tranh, Nguyệt, Tam thập lục, Tam con, Trống… Lúc này ngoài việc cùng với Nhị, Bầu thay nhau dẫn giai điệu, Sáo có thể thoải mái ứng tác, thoải mái trổ ngón ngẫu hứng chứ không bị gò bó như khi hòa tấu cùng tốp nhạc 3 cây hoặc 5 cây. Lúc nương theo bè tòng, lúc đối đáp với bè giai điệu hoặc Sáo cũng có thể nghỉ hẳn một câu nhạc để tạo cảm giác lắng đọng rồi vào câu nhạc sau hoặc trổ sau.

Có thể nói, vai trò của sáo trúc trong nghệ thuật Chèo là vô cùng quan trọng. Đệm tòng cho hát Chèo hay hòa tấu trong dàn nhạc Chèo hoặc độc tấu Chèo trên lòng bản, dù ở vị trí nào Sáo trúc cũng luôn khẳng định đượctầm quan trọng của mình.

>> Xu hướng thời trang Trung Quốc trong năm 2019

>> Các quy tắc định giá sim số đẹp mà bạn chưa biết

Leave a comment.

Your email address will not be published. Required fields are marked*